March 24, 2015

CHÁNH NIỆM TRÊN TỨ NIỆM XỨ

Hoa sung trang


LỜI PHẬT DẠY:

“Trên thân quán sát thân để khắc phục tham ưu; trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu ở đời; trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu; trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu”. (Trung Bộ 1, KINH NIỆM XỨ. 10, Satipatthàna Sutta, MN.10)

CHÚ GIẢI:

Tứ Niệm Xứ là một pháp môn tu tập để làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người, đó là sanh, già, bệnh, chết. Tứ Niệm Xứ là giáo trình để học và tu tập ở lớp Chánh Niệm. Sau khi học và tu tập tốt nghiệp lớp Chánh Niệm này ra thì họ tiếp tục học và tu tập lớp Chánh Ðịnh và thực hiện Tam Minh. Khi tốt nghiệp lớp Chánh Ðịnh và thực hiện Tam Minh thì họ đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi.

Pháp môn Tứ Niệm Xứ có lợi ích lớn như vậy, giúp cho con người có đủ bản lĩnh làm chủ mọi sự khổ đau của kiếp người. Vậy Tứ Niệm Xứ là gì?

Thưa các bạn! Các bạn muốn biết rõ pháp môn Tứ Niệm Xứ thì hãy lắng nghe đức Phật dạy:

“Một thời Thế Tôn ở Vesàli tại rừng Ambapàli. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỳ Kheo. “Này các Tỳ Kheo, Tỳ kheo cần phải trú Chánh Niệm Tỉnh Giác. Ðây là lời giáo giới của Như Lai cho các Thầy. Và này các Tỳ Kheo, thế nào là Tỳ Kheo Chánh Niệm? Ở đây này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo trú; quán thân trên thân nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán thọ trên các thọ nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán tâm trên tâm nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán pháp trên các pháp nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỳ Kheo là Tỳ Kheo chánh niệm”.

Ðoạn kinh trên đây dạy chúng ta cách thức Chánh Niệm tức là học lớp Chánh Niệm. Vậy Chánh niệm là gì?

Theo đoạn kinh này thì Chánh Niệm là niệm thanh thản, an lạc và vô sự. Niệm thanh thản, an lạc và vô sự hiện tiền trên bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp thì tà niệm không bao giờ xen vào được, nếu tà niệm xen vào được thì tức khắc phải nhiếp phục không được để chúng tác động vào thân, thọ, tâm và pháp.

Vậy Tà niệm là gì? Tà niệm được chia làm hai phần:

Tà niệm thuộc về tâm, có nghĩa là tâm buồn rầu, lo sợ, giận hờn, ghen tức, căm thù, thương nhớ, phiền não, v.v…

Tà niệm thuộc về thân, có nghĩa là thân bị bệnh khổ, đau nhức chỗ này, đau nhức chỗ kia, ngứa ngáy, mỏi mệt, chóng mặt, đau lưng, đi đứng không vững vàng, v.v…

Những Tà niệm này thường xảy ra trong thân, thọ, tâm và pháp của chúng ta khiến cho cuộc sống của chúng ta bất an, vì thế,chúng ta phải tập sống trong Chánh Niệm. Tập sống trong Chánh Niệm tức là tu tập Tứ Niệm Xứ.

Muốn tu tập Tứ Niệm Xứ thì hằng ngày phải quan sát trên bốn chỗ: Thân, thọ, tâm và pháp, nếu thấy có Tà niệm thì phải tu tập như sau: “Trên thân quán sát thân để khắc phục tham ưu; trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu ở đời; trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu; trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu”. Chữ khắc phục tham ưu có nghĩa là làm cho sự ưu phiền trên thân thọ, tâm và pháp không còn đau khổ, phiền não nữa. Do đẩy lui tất cả những sự đau khổ và phiền não trên thân tâm của chúng ta, nên gọi là làm chủ sanh, già, bệnh, chết.

TỈNH GIÁC TRÊN TỨ NIỆM XỨ

Thưa các bạn! Nếu muốn đạt được Chánh Niệm như vậy thì các bạn phải có sự tỉnh thức. Muốn tu tập tỉnh thức thì các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Và này các Tỳ Kheo, thế nào là Tỳ Kheo tỉnh giác? Ở đây này các Tỳ kheo, Tỳ Kheo tỉnh giác khi đi tới, đi lui, tỉnh giác; khi ngó tới, ngó lui, tỉnh giác, khi co tay, duỗi tay, tỉnh giác; khi mang áo sanghati (tăng già lê) mang bát, mang y tỉnh giác, khi ăn uống, khi nhai, khi nếm tỉnh giác, khi đại tiện, tiểu tiện tỉnh giác; khi đi, đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thức, khi nói, khi im lặng, đều tỉnh giác. Này các Tỳ Kheo, như vậy Tỳ Kheo sống tỉnh giác”. Ðoạn kinh trên đây, đã xác định sự tỉnh giác trên thân hành của chúng ta.

Vậy, thân hành của chúng ta là gì? Như đoạn kinh trên đã nói: “Khi đi tới, đi lui, tỉnh giác; khi ngó tới, ngó lui, tỉnh giác; khi co tay, duỗi tay, tỉnh giác, khi mang áo sanghati (tăng già lê) mang bát, mang y tỉnh giác; khi ăn uống, khi nhai, khi nếm tỉnh giác; khi đại tiện, tiểu tiện tỉnh giác, khi đi, đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thức, khi nói, khi im lặng, đều tỉnh giác”. Ðây chỉ là những hành động chung của thân, chứ chưa được rõ ràng và cụ thể. Vì vậy, chúng tôi xin xác định cho rõ ràng hơn để các bạn biết phản tỉnh lại các hành động nơi thân của mình.

Thân hành của mỗi người được chia ra làm hai phần:

1- Thân hành nội (hơi thở).

2- Thân hành ngoại (tất cả mọi sự hoạt động của thân.

Thân hành hoạt động gồm có ba nơi:

1- Thân

2- Miệng

3- Ý

Như vậy muốn tỉnh giác trên thân hành thì các bạn hãy phản tỉnh lại thân, miệng, ý của mình, khi phản tỉnh lại thân, miệng, ý của mình là các bạn hãy chủ động điều khiển thân hành, khẩu hành và ý hành, khiến cho thân hành, khẩu hành, ý hành của các bạn không có lỗi lầm. Thân hành, khẩu hành, ý hành của các bạn không có lỗi lầm tức là Chánh Niệm, còn có lỗi lầm là có Tà Niệm.

Rút ra kinh nghiệm tu tập của bài kinh này là phản tỉnh lại thân hành, khẩu hành và ý hành. Phản tỉnh lại thân hành, khẩu hành và ý hành là tỉnh giác, do đó đoạn kinh này nói chung chung là chú ý các hành động của thân như:

“Khi đi tới, đi lui, tỉnh giác; khi ngó tới, ngó lui, tỉnh giác; khi co tay, duỗi tay, tỉnh giác; khi mang áo sanghati (tăng già lê) mang bát, mang y tỉnh giác; khi ăn uống, khi nhai, khi nếm tỉnh giác, khi đại tiện, tiểu tiện tỉnh giác; khi đi, đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thức, khi nói, khi im lặng, đều tỉnh giác”.

Ðoạn kinh này nói như vậy, khiến các bạn sẽ hiểu sai lệch biến pháp xả tâm thành pháp ức chế tâm. Nếu chúng tôi không giải thích rõ ràng các bạn sẽ hiểu lầm, và tu tập là chỉ lo chú ý tập trung trên thân hành một cách ức chế tâm cho hết niệm khởi, đó là một điều tu sai lệch pháp hết sức. Ðức Phật rất sợ chúng ta tu tập Tứ Niệm Xứ lầm lạc thì tai hại không lường được về hậu quả. Bởi vì, pháp môn Tứ Niệm Xứ là một pháp môn độc nhất để đưa con người có đủ năng lực làm chủ nhân quả tức là làm chủ mọi sự hoạt động của chúng ta hằng ngày.

Ðể kết luận đoạn kinh này các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy:

“Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo phải sống an trú Chánh Niệm Tỉnh Giác. Ðó là lời dạy của Như Lai cho các Tỳ kheo”.

Vậy, chúng ta hãy hiểu cho rõ ràng để biết cách sống an trú Chánh Niệm Tỉnh Giác mà không sai lầm trên pháp môn Tứ Niệm Xứ.

Lần lượt, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn an trú Chánh Niệm Tỉnh Giác trong nhiều góc độ của pháp môn Tứ Niệm Xứ để đạt được sự làm chủ sự sống chết hoàn toàn chỉ trong một đời này mà thôi.

GIỚI LUẬT VÀ TRI KIẾN TRONG TỨ NIỆM XỨ

Kính thưa các bạn! Bài pháp trên đây đã dạy chúng ta cách thức sống an trú chánh niệm tỉnh giác trên thân hành, khẩu hành và ý hành để tu tập BỐN NIỆM XỨ. Còn bây giờ chúng ta lại sống an trú chánh niệm tỉnh giác trên giới luật để tu tập Tứ Niệm Xứ. Trước khi triển khai pháp hành này chúng tôi xin các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy:

“Vậy này các Tỳ Kheo, các Thầy phải gội sạch hai pháp cơ bản về các thiện pháp và thế nào là hai pháp cơ bản về các thiện pháp? Chính là Giới khéo thanh tịnh và Tri kiến chánh trực. Này các Tỳ Kheo, khi nào các Thầy được giới khéo thanh tịnh và Tri kiến chánh trực, các Thầy hãy y cứ trên giới, an trú trên giới tu tập BỐN NIỆM XỨ: thân, thọ, tâm, pháp". (Kinh Tương Ưng, Chương 3, Tương Ưng Niệm Xứ, kinh Tỳ kheo. S.v, 142)

Ðoạn kinh trên đây dạy rất rõ ràng:“Giới luật và tri kiến”. Vậy, muốn khắc phục những tham ưu trên thân, thọ, tâm và pháp thì phải y cứ trên giới luật sống không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì mới mong đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó (khắc phục tham ưu).

Thưa các bạn! Trong kinh Ước Nguyện, đức Phật cũng đã nhắc nhở chúng ta rất nhiều về giới luật. Vì giới luật rất quan trọng trên con đường tu tập giải thoát. Muốn ước nguyện kết quả một điều gì trong sự tu tập thì giới luật phải nghiêm chỉnh. Ở đây, tu tập Tứ Niệm Xứ đức Phật cũng dạy chúng ta lấy giới luật và tri kiến làm nền tảng cho sự nhiếp phục những tham ưu trên Tứ Niệm Xứ, nghĩa là muốn đẩy lui những sự khổ đau trên thân, thọ, tâm và pháp thì giới luật phải nghiêm chỉnh. Giới luật nghiêm chỉnh thì tri kiến thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh thì giới luật mới nghiêm chỉnh. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật. Ðó là nền tảng vững chắc để chúng ta tu tập Tứ Niệm Xứ. Vì thế, các bạn hãy lưu ý đoạn kinh này: “các Thầy hãy y cứ trên giới, an trú trên giới tu tập BỐN NIỆM XỨ: thân, thọ, tâm, pháp” thì các bạn tu tập sẽ làm chủ bốn sự đau khổ; sanh, già, bệnh, chết.

TỨ NIỆM XỨ LÀ NGỌN ÐÈN SOI SÁNG, LÀ CHỖ NƯƠNG TỰA VỮNG CHẮC

Pháp môn Tứ Niệm Xứ quan trọng như thế nào mà đức Phật luôn nhắc nhở ông A Nan hãy lấy pháp môn Tứ Niệm Xứ làm ngọn đèn và làm chỗ nương tựa vững chắc trên đường tu tập cho chính mình. Vậy, các bạn hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ những lời đức Phật dạy:

1) “Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một điều gì khác. Này Ananda, thế nào là Tỳ Kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác?”.

Ðoạn kinh trên đức Phật muốn giới thiệu một pháp môn rất quan trọng cho cuộc đời tu hành của các bạn, không phí công, phí sức, nên Ngài căn dặn ông A Nan rất kỹ lưỡng:

2) “Ở đây, này Ananda, Tỳ Kheo trú quán thân trên thân, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán thọ trên các thọ nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán tâm trên tâm nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán pháp trên các pháp nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này Ananda Tỳ Kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác”.

Các bạn có nghe chăng? Tứ Niệm Xứ là ngọn đèn chánh pháp, là chỗ nương tựa vững chắc cho các bạn. Như vậy, Tứ Niệm Xứ đúng là một pháp môn rất quý báu nên đức Phật lặp đi lặp lại nhiều lần, để chúng ta đừng quên pháp môn Tứ Niệm Xứ.

Lời di chúc năm xưa của đức Phật trước khi nhập Niết Bàn, Ngài bảo các thầy Tỳ Kheo như sau: “Này các Tỳ kheo, sau khi Ta đã Niết Bàn hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta làm thầy, làm chỗ nương tựa vững chắc”. Ðọc những đoạn kinh trên đây, chúng ta mới nhận ra giới luật và giáo pháp của Ngài di chúc lại cho chúng ta là pháp môn Tứ Niệm Xứ. Như vậy các bạn đã rõ chưa? Lấy mình làm ngọn đèn, làm chỗ nương tựa vững chắc là ý muốn dạy điều gì đây?

Xin thưa cùng các bạn! “Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác”. Ðể thấu rõ và xác định ý nghĩa của câu này, chúng tôi xin lặp lại:“Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình”. Ðó là tri kiến của chúng ta đấy các bạn ạ!

Dùng chánh pháp làm ngọn đèn soi sáng, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác là ý Phật muốn dạy pháp môn gì đây?

Xin thưa cùng các bạn! Ðó là giới đức, giới hạnh, giới hành và pháp môn Tứ Niệm Xứ. Ðọc đến những đoạn kinh trên đây, chắc các bạn đã thấu hiểu và phân biệt chánh pháp của Phật là pháp nào, còn tà pháp của ngoại đạo là pháp nào? Nếu không có những lời xác định chánh pháp của Phật thì đứng trước rừng kinh sách hiện giờ, các bạn dễ rơi vào kiến giải tưởng của ngoại đạo.

Tóm lại, khi tu hành theo Phật giáo thì không nên tu tập bất cứ một pháp môn nào khác mà chỉ nên tu tập Tri Kiến, Giới Luật và Tứ Niệm Xứ.

NGƯỜI TU TẬP PHÁP MÔN TỨ NIỆM XỨ LÀ NHỮNG NGƯỜI TỐI THƯỢNG TRONG HÀNG TỲ KHEO CỦA NHƯ LAI

Một lần nữa chúng ta hãy nghe đức Phật ca ngợi tán thán pháp môn Tứ Niệm Xứ trước khi vào Niết Bàn:

3) “Này Ananda, những ai hiện nay, hay sau khi ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác. Những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ Kheo của Như Lai. Nếu những vị ấy nhiệt tâm tinh cần tha thiết học hỏi”. Xem thế, chúng ta mới thấy Tri Kiến, Giới Luật và pháp môn Tứ Niệm Xứ rất quan trọng trên đường tìm tu giải thoát.

Ðúng vậy, một pháp môn tu tập làm chủ được những nỗi khổ đau của kiếp người: Sanh, già, bệnh, chết; một pháp môn tuyệt vời, với nền đạo đức không làm khổ mình khổ người, khổ chúng sanh.

Trên đời này nếu ai đủ duyên gặp được Giới Luật và pháp môn Tứ Niệm Xứ của Phật là người có phước báu đầy đủ mà đức Phật đã xác định: “Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác. Những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỳ Kheo của Như Lai”. Ðức Phật dùng những danh từ“Tối Thượng” và xứng đáng “của Như Lai” này, tán thán rất đúng nghĩa, vì trên đời này không có pháp môn nào làm chủ được những sự đau khổ như vậy. Những lời dạy trên đây là những lời sách tấn chân thật của đức Phật, thiết tha kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng nổ lực tu hành đừng sợ gian khổ, đừng chùng bước trước mọi sự gian nan thử thách.

NGƯỜI MỚI TU TẬP VẪN TU TẬP PHÁP MÔN TỨ NIỆM XỨ

Pháp môn Tứ Niệm Xứ có ba giai đoạn tu tập:

1- Tứ Chánh Cần tu tập trên Tứ Niệm Xứ.

2- Tứ Niệm Xứ tu tập trên Tứ Niệm Xứ.

3- Thân Hành Niệm tu tập trên Tứ Niệm Xứ.

Cho nên, người mới xuất gia vẫn tu tập pháp môn Tứ Niệm Xứ, nhưng phải tu tập ở giai đoạn đầu Tứ Chánh Cần. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy:“Những Tỳ Kheo nào, này các Tỳ Kheo, mới xuất gia tu chẳng bao lâu, mới đến trong những pháp luật này, những Tỳ Kheo ấy, này các Tỳ Kheo, cần phải được khích lệ (samàdapetabbà) cần phải được hướng dẫn, cần phải được an trú, tu tập Bốn Niệm Xứ (thân, thọ, tâm, pháp), hãy chuyên chú với tâm thanh tịnh, định tỉnh nhất tâm để có chánh trí như thật đối với các pháp”.

Tứ niệm Xứ là giáo trình tu học cho lớp Chánh Niệm mà lớp Chánh Niệm là lớp thứ bảy của tám lớp học (Bát Chánh Ðạo). Vậy mà người mới tu sao lại được học lớp này? Nếu một người không có tu tập thì không thể nào hiểu được pháp môn Tứ Niệm Xứ mà cũng không hiểu được Giới Luật. Như trên đã nói Tứ Niệm Xứ có ba giai đoạn tu tập:

1/ Tứ Chánh Cần tu tập trên Tứ Niệm Xứ. Giai đoạn này người mới tu vẫn tu tập được và tu tập như vậy mới có căn bản.

2/ Tứ niệm Xứ tu tập trên Tứ Niệm Xứ. Giai đoạn rất khó tu, nếu mất căn bản thì không nhiếp phục tham ưu trên thân, thọ, tâm và pháp.

3/ Thân Hành Niệm tu tập trên Tứ Niệm Xứ. Giai đoạn này là giai đoạn cuối cùng của Tứ Niệm Xứ, nó chuyên tu tập để rèn luyện ý thức lực cho mạnh mẽ, truyền lệnh để thực hiện Tứ Như Ý Túc.

Còn giới luật cũng có ba động tác đạo đức phải thực hiện hằng ngày là: giới đức, giới hạnh, giới hành. Thực hiện giới luật là phải luôn luôn thực hiện với tri kiến, cho nên kinh dạy: “Giới luật ở đâu là tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu là giới luật ở đó, giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”. Nếu người tu sĩ và người cư sĩ không thực hiện giới luật nghiêm chỉnh, còn vi phạm những lỗi nhỏ nhặt, không thấy xấu hổ và sợ hãi thì tu Tứ Niệm Xứ chẳng bao giờ có kết quả rốt ráo, chỉ hoài công vô ích mà thôi, uổng phí một đời tu.

Cho nên, nhờ có kinh nghiệm tu tập các bạn mới hiểu được đoạn kinh trên đây nói tu tập Tứ Niệm Xứ, nhưng kỳ thật là tu tập Tứ Chánh Cần trên Tứ Niệm Xứ.
Trong Tứ Chánh Cần, gồm có bốn pháp tu tập:

1- Ðịnh Chánh Niệm Tỉnh Giác.

2- Ðịnh Vô Lậu.

3- Ðịnh Sáng Suốt.

4- Ðịnh Niệm Hơi Thở.

Những loại định này đều tu tập trên Tứ Niệm Xứ. Vì thế, người mới vào tu đều phải bắt đầu tu tập bốn loại định này. Nếu ai không tu tập bốn loại định này mà tu tập pháp nào khác thì không phải là tu tập Tứ Niệm Xứ. Không phải tu tập Tứ Niệm Xứ là tu tập sai pháp của Phật, tu theo ngoại đạo. Cho nên, đoạn kinh trên đã xác định rõ ràng, xin các bạn lưu ý.

TỨ THÁNH QUẢ ÐỀU DO TỨ NIỆM XỨ MÀ THÀNH

Chánh Niệm Tỉnh Giác là một tên khác của Tứ Niệm Xứ. Cho nên nói Chánh Niệm Tỉnh Giác là nói đến pháp môn Tứ Niệm Xứ.

Thưa các bạn! Chánh Niệm Tỉnh Giác (Tứ Niệm Xứ) còn đưa chúng ta đến chứng bốn quả Thánh: Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Vậy, muốn tu chứng bốn Thánh quả này thì tu Tứ Niệm Xứ như thế nào để đạt được bốn Thánh quả. Khi tu tập làm cho sung mãn Tứ Niệm Xứ thì nội tâm ta có mười thần lực, nhờ mười thần lực này chúng ta mới nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và mỗi Thiền tương ưng vào mỗi quả như dưới đây:

Nếu muốn tu tập để chứng bốn Thánh quả thì phải tu tập bốn Thiền, có tu tập bốn Thiền mới có chứng những quả theo thứ tự như sau đây:

Tu tập nhập “Sơ Thiền” là tu tập để chứng quả Thánh “Tu Ðà Hoàn”. Ngoài pháp “Sơ Thiền” không thể tìm quả giải thoát “Tu Ðà Hoàn” được.

Tu tập nhập “Nhị Thiền” là tu tập để chứng Thánh quả “Tư Ðà Hàm”. Ngoài pháp “Nhị Thiền” không thể tìm quả giải thoát “Tư Ðà Hàm” được.

Tu tập nhập “Tam Thiền” là tu tập để chứng Thánh quả “A Na Hàm”. Ngoài pháp “Tam Thiền” không thể tìm quả giải thoát “A Na Hàm” được.

Tu tập nhập “Tứ Thiền” là tu tập để chứng Thánh quả “A La Hán vô lậu và hướng tâm đến Tam Minh”. Ngoài pháp “Tứ Thiền” không thể tìm quả giải thoát “A La Hán” được.

Theo Ðạo Phật, ai tu tập đâu là có kết quả ngay liền, bất cứ pháp môn nào, nếu không tu tập thì thôi, bằng hễ có tu tập là có kết quả của pháp đó. Kết quả của pháp đó gọi là chứng pháp. Giới luật cũng như vậy, ai giữ gìn được một giới là có kết quả lìa một ác pháp, lìa một tâm dục.

Cho nên, có những người không hiểu về giới luật của Phật, họ không biết rằng: Giới luật Phật chính là nền đạo đức nhân bản – nhân quả, tức là đạo đức của loài người, họ cho rằng những giới luật của Phật hiện giờ không phù hợp với thời đại khoa học công kĩ nghệ hiện đại hóa xã hội. Ðiều này sai, vì khoa học kĩ nghệ hiện đại hoá xã hội thì giới luật (đạo đức) rất cần thiết cho mọi người để quân bình xã hội. Còn đời sống của Tăng, Ni và cư sĩ thì cũng không nên bỏ một giới luật nhỏ nhặt nào cả, giới luật là hành động đạo đức của đời sống tu sĩ và cư sĩ; giới luật là Phạm hạnh của người tu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”. Tại sao lại bỏ?

Tất cả giới luật của Phật, dù giới lớn, giới nhỏ nhặt, giới trọng, giới khinh, v.v… Giới nào nó cũng đều là những hành động đức hạnh làm Người, làm Thánh mà mọi người trên thế gian này, ai ai cũng cần phải học tập để sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, bằng giới luật đạo đức thương yêu, tha thứ để đem lại hạnh phúc, yên vui cho nhau mãi mãi trong cuộc đời này. Vì thế, làm sao bỏ những giới nhỏ nhặt. Phải không các bạn?

Chỉ có những người vô minh sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, họ không hiểu giới luật là đạo đức làm Người, làm Thánh của những bậc tu hành chân chính; họ không biết giới luật là thiện pháp để chuyển hóa nhân quả, đem lại đời sống an vui hạnh phúc cho họ. Vì thế, họ mới dám tuyên bố bỏ những giới nhỏ nhặt, chà đạp lên giới luật, xem thường người Phật tử chẳng hiểu biết gì về giới luật của Phật cả, nên quý Thầy mặc sức tung hoành ăn uống phi thời, ngồi quán, ngồi lều, nhậu nhẹt rượu chè say sưa, chạy xe lạng lách, xem ca hát và tự ca hát, v.v... họ không còn xem Phật giáo là một tôn giáo mà là một nghề mê tín khéo lừa người để sống.

(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, trích NLGPD.2, TG.2010, tr.234-253)

1 comments: